Chiều mùa đông anh về với Tiền Giang.
Trời Gò Công nắng hanh vàng trong gió.
Lăng Hoàng gia nằm bên đường rộng mở.
Chim hót ca hoa nở lúc đông về.
Xuôi dòng sông Vàm Cỏ, qua Cầu Mỹ Lợi, bạn sẽ bắt gặp một vùng đất với tên gọi “Làng Thành Phố”- Gò Công, vùng đất đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chứng kiến con đường Nam tiến của cha ông ta, bằng sự cần cù, người xưa đã khai hoang, giữ đất, lập làng, bám làng…, từ đó để lại cho hậu thế hôm nay nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Võ Tánh, Đình Trung, Văn Thánh Miếu và nhiều nhà cổ, nhà thờ, đình, chùa, miếu mộ. Di tích Lăng mộ Hoàng Gia là một trong những địa điểm còn lưu giữ những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc và những câu chuyện bí ẩn xoay quanh Lăng mộ Hoàng Gia đáng để khám phá và tìm hiểu.
Lăng Hoàng gia được xây trên gò Sơn Quy thuộc khu phố Lăng Hoàng gia, phường Long Hưng, thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Khu lăng được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách thành phố Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 40km.
Cổng vào Lăng Hoàng Gia
Di tích Lăng mộ Hoàng Gia là nơi yên nghỉ, thờ phụng của những người thuộc dòng họ Phạm Đăng. Người dân thường gọi lăng với cái tên khác là “Thích Lý”, tức là bà con của nhà vua. Lăng chính thức được khởi công xây dựng vào năm 1826, được trùng tu vào năm 1888 (thời vua Thành Thái) và vào năm 1921 (thời vua Khải Định). Là nơi yên nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức, thân sinh của Từ Dũ Thái hậu.
Dòng họ Phạm Đăng đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này, là bậc hiền tài, lỗi lạc, yêu nước thương dân được mọi người kính trọng. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ, và được người đời gọi là Lăng Hoàng gia.
Di tích Lăng mộ Hoàng Gia là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của thời Nguyễn với lối xây dựng truyền thống, được thể hiện rõ nét qua những chi tiết chạm trổ trên mộ và khu vực bên trong điện thờ. Những chi tiết hoa văn tứ linh, tứ quý theo quan niệm của phong thủy Á Đông đồng thời cũng xuất hiện tại đây.
Trong khi đó, toàn bộ lăng được ôm trọn với khuôn viên thoáng đãng, rộng rãi và trồng rất nhiều cây sứ đại thụ và các loài hoa thơm cỏ lạ, hệt như phong cách của nhà vườn ở chốn cố đô Huế thanh bình.
Lối vào nhà từ đường Lăng Hoàng Gia
Diện tích của lăng không quá đồ sộ, rộng lớn như những lăng tẩm của vua, chúa khác mà ngược lại có dáng vẻ giản đơn, gần gũi như kiến trúc nhà ở của mọi người. Đây là điểm đặc biệt tạo ra sự ấm cúng, gần gũi cho những ai đã từng có dịp đến lăng.
Cổng vào của Di tích Lăng mộ Hoàng Gia được xây theo lối tam quan bằng phương pháp cách điệu với phần mái được lợp hoàn toàn bằng ngói lưu ly. Phần đỉnh lăng được chạm trổ hình tượng “Lý ngư vọng nguyệt”, tức cá chép trông trăng như thể hiện sự thanh cao của vị chủ nhân đang ngủ yên trong lăng vậy.
Khu vực nhà từ đường với chính giữa có mười trụ cột có kích thước lớn, được bố trí thành hai hàng song song chống đỡ cho toàn bộ không gian lăng thêm phần vững chãi. Những đường hoành, rui, mè được thiết kế sắc sảo và chạm trổ tinh xảo, làm hoàn toàn từ các loại gỗ quý vận chuyển trực tiếp từ Huế vào.
Điểm nổi bật nhất của Di tích Lăng mộ Hoàng Gia chính là việc sử dụng hoàn toàn gỗ để xây dựng và được gắn với nhau bằng phương pháp đục mộng tra tinh xảo, không sử dụng bất kì một cây đinh nào cả. Đây là dấu ấn rõ nét nhất chứng minh cho sự tài hoa và nghệ thuật xây dựng đầy khéo léo của những nghệ nhân thời xưa.
Lối kiến trúc được thiết kế sắc sảo và chạm trổ tinh xảo, làm hoàn toàn từ các loại gỗ quý
bên trong Lăng Hoàng Gia
Bên trong khuôn viên nhà thờ tự của Di tích Lăng mộ Hoàng Gia bố trí nhiều bài vị. nhìn vào từ cửa chính, phía bên trên có 3 tấm biển lớn: “Đức Lưu Vương, Phạm Phủ Tường, Quan Thế Trạch” nghĩa là nhà thờ họ Phạm để lại tiếng thơm và nhân đức đến tới mọi người. Gian chính là nơi thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, gian tả thờ ông Phạm Đăng Long, thân phụ của ông, gian tả ngoài cùng thờ ông cố Phạm Đăng Tiên, gian hữu thờ ông nội Phạm Đăng Dinh và gian hữu cuối thờ ông sơ Phạm Đăng Khoa, trước bài vị của ông Phạm Đăng Hưng thờ bà hoàng thái hậu Từ Dụ ở bậc thấp hơn. Và năm tấm liễng được treo, “Công, hầu, bá, tử, nam” thể hiện ngũ tước của các ông.
Ở khu vực bên phải nhà thờ có giếng ngọc với dòng nước trong vắt và ngọt lịm quanh năm, kể cả khi xung quanh các giếng đều khô cạn, giếng chính là điềm lành và đã luôn là hình ảnh gắn liền với dòng tộc Phạm Đăng suốt những năm tháng trước kia. Giếng cổ, làm bằng đá chồng lên nhau có độ sâu khoảng 5m. Tương truyền khi dòng họ Phạm Đăng đến khai khẩn vùng đất Gò Công đã đào giếng nước này cho ăn uống, sinh hoạt. Vợ ông Phạm Đăng Hưng trong lúc mang thai con gái Phạm Thị Hằng khi ra tắm gội bên giếng đã nhìn thấy dưới đáy giếng vầng trăng sáng vằng vặc, vì vậy khi sinh con ra, vợ chồng bà đặt là Hằng Nga (tên trong gia phả). Cô Hằng cũng hàng ngày tắm gội nước giếng, cô càng lớn càng đẹp, học giỏi, khéo léo nữ công gia chánh. Nhờ vậy mà khi theo cha ra Huế, bà đã sớm lọt vào mắt Thái tử Miên Tông, sau là vua Thiệu Trị.
Giếng ngọc với dòng nước trong vắt phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt
Du khách khi đến đây thường có nhu cầu được gội rửa từ nước giếng có từ thời bà Từ Dũ với niềm tin sẽ giúp được khỏe mạnh, da tóc khỏe đẹp, tránh được bệnh tật…
Đặc biệt trước lăng mộ còn có đến hai nhà bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng, và những câu chuyện li kì của hai tấm bia này:
Phía tay trái của lăng mộ ông Phạm Đăng Hưng từ ngoài nhìn vào có nhà bia, trong đó dựng tấm bia với trên cùng là thánh giá. Dưới thánh giá có hàng chữ : ‘Cigit – Barbé Capitaine Dinfanterie de Marine tue dans une emeuscade le 7 decembre 1860 …’. (Tạm dịch: Đây là nơi an nghỉ của Barbé – Đại úy Thủy quân Lục chiến tử trận trong cuộc phục kích ngày 7-12-1860). Toàn bộ những dòng chữ Pháp này nằm chồng lên những dòng chữ Hán. Rất may, chỉ vài dòng tiếng Pháp nên phần còn lại khá nhiều giúp cho người đọc có thể hiểu được nội dung.
Theo tài liệu ghi lại, văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm 1858 trên đá cẩm thạch trắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vào Gò Công cùng với tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng nhưng bị quân Pháp cướp mất trong lúc vận chuyển.
Năm 1899, theo ý chỉ của bà Từ Dụ, vua Thành Thái cho làm một tấm bia khác bằng đá hoa cương, có nội dung như tấm bia năm 1858, mang về Gò Công và cho tôn trí ở phía bên phải lăng mộ Phạm Đăng Hưng.
Tấm bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng
Mãi đến tháng 5-1983, khi UBND TPHCM quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng Công viên Văn hóa Lê Văn Tám, sau khi bốc cốt đại úy Barbé đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá lớn nhưng không biết đó là báu vật của vua ban đã lưu lạc hơn trăm năm.
Về sau, các nhà khảo cổ phát hiện ẩn bên trong hình cây thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu và tinh xảo, đọc kỹ thì đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gởi về Gò Công. Cho đến tháng 7-1998, đúng 140 năm, tấm bia vua Tự Đức ban mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, Gò Công đặt bên trái mộ phần của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đến ngày nay.
Khu mộ của Đức Quốc Công được xây dựng trên gò rùa cao, không xây theo kiểu “ngưu phanh, mã phục” (trâu nằm, ngựa quỳ) dành cho quan võ mà được xây theo kiểu dáng “chóp trụ, đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc mũ quan vừa như búp sen, bên trên mộ đắp ba vành thể hiện tam tài “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Sau bức hoành phi là bốn ông rồng ngự trị trên cao như canh giữ, cai quản lăng, phía dưới bức hoành phi có khảm trai hình tượng ngũ lân, tượng trưng cho ngũ tước là công, hầu, bá, tử, nam ngụ ý năm đời đều danh giá tốt đẹp của dòng họ Phạm Đăng…Xung quanh khu vực mộ Đức Quốc Công là phù điêu trang trí với họa tiết búp sen, cá chép hóa rồng được hoàn thành theo phong cách điêu khắc phương Tây, thể hiện sự quyền quý của một bậc đại thần.
Qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử những hiện vật của di tích Lăng Hoàng Gia ngày nay không còn nhiều, chỉ còn lại một số ít như: Bia đá trong phần mộ Phạm Đăng Hưng; 7 biển đại tự sơn son thiếp vàng, trên khung có chạm tứ quý được làm vào thời Thành Thái; khám thờ Phạm Đăng Hưng sơn son thiếp vàng chung quanh chạm tứ linh, tứ quý.
Khu lăng mộ Hoàng Gia đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992; là di tích có ý nghĩa quan trọng gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng du lịch vùng phía Đông của tỉnh, đây sẽ là một trong những điểm đến ấn tượng mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Phối hợp với Sở, Ban ngành, các đơn vị du lịch cũng tăng cường quảng bá hình ảnh, tổ chức các chương trình du lịch kết hợp với các địa điểm di tích lịch sử.
Hiện nay, Lăng Hoàng Gia đã trở thành điểm đến quen thuộc cho các hoạt động tham quan về nguồn là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh khi muốn tìm hiểu lịch sử, văn hoá và vẻ đẹp quê hương. Đặc biệt, là các chương trình về nguồn hay ngoại khoá của các trường học trong và ngoài tỉnh, việc đến với một di tích lịch sử kết hợp với hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại biển Tân Thành, khám phá sinh thái miệt vườn trái cây nổi bật của địa phương như sơ – ri, táo,…sẽ giúp các bạn hiểu hơn về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất Gò Công.
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_Ho%C3%A0ng_gia
Theo Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ (bản điện tử).
Huỳnh Minh, Gò Công xưa. Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2001